Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Từ xa xưa, người Trung Hoa đã sử dụng tổ yến như một vị thuốc có khả năng làm trẻ hóa. Kết quả phân tích cho thấy, tổ yến có hàm lượng đạm cao (40-50%), lượng mỡ rất thấp (0-0,13%) và có đủ các loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. Trong tổ yến có 10-15 nguyên tố đa vi lượng rất cần thiết cho sự tạo máu, ổn định thần kinh, kích thích tạo tinh trùng và trứng. Tổ yến còn có hơn 8% axit sialic, rất cần cho sự kích thích phân bào để đổi mới cơ thể.
Tổ yến có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, tăng khả năng cầm máu, tăng các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị tổn thương, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ... thích hợp sử dụng cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Do đó, "cầu" về tổ yến ngày càng tăng cao.
Hiện tại, trên thị trường, các loại tổ yến phải chế biến trước khi đóng gói tiêu thụ. Rất ít trường hợp tổ yến sau khi thu hoạch có thể tiêu thụ ngay được.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Tổ yến thô được rã tổ và làm sạch phân – lông chim. Giai đoạn này được thực hiện thủ công. Đầu tiên, ngâm tổ yến thô vào nước sạch, tùy vào mức độ nở của tổ yến thô mà ngâm lâu hay nhanh. Sau đó tiến hành làm ráo nước và cho vào 1 đĩa (màu trắng). Tiếp theo, tiến hành nhặt lần đầu những lông lớn và những tạp chất (đất, vôi,…) và một số lông kim (lông nhỏ khó nhặt). Sau lần nhặt đầu tiên, tổ yến còn một số lông kim và tạp chất khó nhặt. Tiến hành gắp từng phần yến để vào rây và để vào 1 tô nước. Dùng muỗng khuấy nhẹ sẽ làm rớt đi những lông kim khó nhặt và hạn chế để tổ yến tiếp xúc với nước thời gian lâu vì dễ làm mất đi những khoáng chất có trong tổ yến.
Tổ yến sau khi làm sạch được phân loại theo độ dài của tổ và được sắp xếp vào khuôn để mang đi sấy. Công đoạn sấy thực hiện theo công nghệ sấy nhiệt độ thấp, bằng cách giảm độ ẩm tương đương để tạo ra chênh lệch áp suất giữa hơi nước trong không khí và hơi nước trong sản phẩm. Nhờ đó, ẩm độ sẽ tách ra khỏi sản phẩm và đi vào không khí. Khi đưa không khí trong thiết bị trao đổi nhiệt xuống thấp hơn nhiệt độ đọng sương, khí bão hòa sẽ ngưng đọng và tách ra khỏi không khí. Không khí, sau đó, đi qua dàn nóng sẽ sấy khô sản phẩm.
Hình 1: Nguyên lý hoạt động của sấy nhiệt độ thấp
Hình 2: Quy trình chế biến
Sản phẩm sau khi sấy xong sẽ được chuyển qua khâu cân định lượng để đóng gói và phân phối sản phẩm.
Hình 3: Tổ yến trước và sau khi sấy
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Áp dụng công nghệ sấy mới, hiện đại trong chế biến sau thu hoạch, phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam.
- Các thành phần tự nhiên và màu sắc, mùi vị của sản phẩm được giữ lại trong quá trình chế biến.
- Tiêu diệt những mầm mống bệnh trong tổ yến thô như H5Nx, E-Coli, thương hàn, dịch tả…
- Sản phẩm sản xuất trong điều kiện kín, bảo đảm hợp vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng bảo quản, vận chuyển và phân phối.
Hiệu quả
- Nâng cao giá trị của tổ yến so với tổ yến thô.
- Tạo công việc làm cho các hộ gia đình.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Bộ môn Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (Khoa Cơ khí Công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM)
Ðịa chỉ: Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM
Ðiện thoại: (028)-37240024 - 38870758
Hotline: 0988304674
Fax: 028-37240020
Email: levanban@hcmuaf.edu.vn
Người liên hệ: Lê Văn Bạn