SpStinet - vwpChiTiet

 

Sở hữu trí tuệ, những điều thú vị

 


Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng. Có những điều thú vị liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà có lẽ ít người biết.

 


Bằng sáng chế đầu tiên
 

Khoảng 500 năm TCN người Hy Lạp cổ đại đã có bảo hộ cho các sáng chế, còn luật đầu tiên về sáng chế thì mãi đến năm 1474 mới được nước Cộng hòa Venice (Ý) ban hành. Bằng sáng chế đầu tiên ở Mỹ được bang Massachusetts trao cho Samuel Winslow về phương thức làm muối năm 1641.

 

Sáng chế "không sáng suốt"
 

Lịch sử đầy các sáng chế ngớ ngẩn, chẳng hạn như phương pháp đánh đu, mặt nạ cấm ăn, thiết bị chống mút ngón tay, áo sơ mi chuột túi, bao cho chuối, bảo vệ tai cho chó, xe đạp dùng cánh buồm…


 


 

Bùng nổ sáng chế thời cách mạng công nghiệp
 

Lượng bằng sáng chế phát triển tại Mỹ, nhưng thời cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 mới thực sự hoàng kim. Trong 2 năm 1915 và 1916, tính bình quân, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu hoa Kỳ (USPTO ) cấp hơn 400 bằng sáng chế / 1 triệu người, còn trong năm 2010 và 2011, mỗi năm cấp đến 120.000 bằng sáng chế (bình quân 300 sáng chế / 1 triệu người) . Tuy vậy, Mỹ chỉ đứng thứ 9 về số bằng sáng chế tính trên đầu người (nước Nhật hiện đang đứng đầu với số bằng sáng chế bình quân gần 1.000 sáng chế / 1 triệu người).



 

Khẩu hiệu thể thao hay thương hiệu?


Khi John Calipari, cựu huấn luyện viên bóng rổ của Đại học Massachusetts (UMass) dẫn dắt đội của mình thi đấu tại giải NCAA năm 1996, ông đã đăng ký nhãn hiệu khẩu hiệu "Không chấp nhận thất bại" để sử dụng trên áo thi đấu, áo choàng và vật dụng khác. Khẩu hiệu này được sử dụng cho tất cả các hoạt động thể thao của UMass, và Calipari là người sử dụng đầu tiên. Calipari mang theo khẩu hiệu này và lấy tiền bản quyền của nó khi ông rời UMass. Nhãn hiệu này đã được gia hạn vào năm 2007 và ông tiếp tục sử dụng nó để bán video và sách hướng dẫn tập luyện.
 

 

Nơi nào sáng tạo nhất ở Mỹ?


Chủ nhân của gần 2/3 số bằng sáng chế của Mỹ sinh sống trong 20 bang lớn, nơi cư ngụ của 1/3 dân số Mỹ. Từ năm 2007 đến 2011, những bang có số lượng bằng sáng chế bình quân đầu người cao nhất là: San Jose (về phần cứng máy tính và thiết bị ngoại vi), Burlington, Vermont (về thiết bị bán dẫn), Rochester, Minnesota (về phần cứng máy tính), Corvallis, Oregon (về chất bán dẫn), Boulder, Colorado (về truyền thông), Poughkeepsie, NewYork (về chất bán dẫn), Ann Arbor, Michigan (về động cơ và các bộ phận), San Francisco và Oakland (về công nghệ sinh học), Austin, Texas (về phần cứng máy tính) và Santa Cruz, California (về phần cứng máy tính).




Ma cô sáng chế gây rắc rối


Theo một nghiên cứu của trường đại học Boston (BU), ở Mỹ, mỗi năm các doanh nghiệp mất khoảng 29 tỷ USD vì “ma cô sáng chế", tăng hơn 4 lần con số 7 tỉ USD của năm 2005. Các công ty nhỏ và vừa lại bị tổn thất nặng nề nhất. Theo Michael Meurer, đồng tác giả nghiên cứu của BU: "Các công ty đáng ra được hưởng lợi từ hệ thống bảo hộ sáng chế lại phải đau đầu vì nó”“trong nhiều trường hợp, nó trở thành một hệ thống áp đặt khoản thuế trên sáng tạo thay vì thúc đẩy đổi mới".
 

 

 


Trận chiến khó khăn


Một chủ sở hữu phòng tập thể dục người Úc mất quyền sử dụng thương hiệu "Tập thành siêu nhân", mặc dù ông cho rằng cụm từ này có lấy cảm hứng triết gia người Đức Nietzsche chứ không phải của Nhà xuất bản truyện tranh DC Comics. Còn một nông dân ở Vermont thì bị Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ bác đơn đăng ký thương hiệu cụm từ "Ăn thêm Cải" vì nó quá giống với cụm từ "Ăn thêm Gà" thuộc sở hữu của chuỗi cửa hàng gà ăn nhanh Chick-fil-A.
 

Thông tin nên miễn phí

Các nhà hoạt động internet như Wikileaks cho rằng không có tài liệu nào là mật, nhóm Piratbyran người Thụy Điển không thích việc bảo hộ tác quyền. Nhóm này được thành lập vào đầu những năm 2000 với mục tiêu chia sẻ tự do thông tin, văn hóa và sở hữu trí tuệ. Một số thành viên sau đó thành lập Pirate Bay (piratebay.com) vào năm 2003, đây là trang web chia sẻ file (tập tin) và người dùng có thể trao đổi phim ảnh và các file kỹ thuật số dung lượng lớn khác (trang web này đang phải đối mặt với rắc rối pháp lý trong thời gian gần đây, như một tòa án ở Ireland đã ra lệnh đóng cửa với người dân sở tại).

 

Giá trị của sáng chế


Theo nghiên cứu gần đây của Brookings về các thương vụ mua bán bằng sáng chế từ Eastman Kodak, Motorola, Nortel và Nokia, bình quân bằng sáng chế có giá từ 477.000 USD đến 760.000 USD, thậm chí có bằng sáng chế được bán với giá cả triệu USD. Tuy nhiên, cũng có những bằng sáng chế được bán với giá thấp hơn nhiều hoặc trở nên lạc hậu hay “chết” trong kho sáng chế. Mặc dù chi phí pháp lý để có được một bằng sáng chế không nhỏ, 16% bằng sáng chế “được” hết hạn chỉ sau bốn năm vì các chủ sở hữu từ chối trả khoản phí duy trì 900 USD.


  Làm luật đối với sáng chế


Giữa năm nay, tòa án tối cao Mỹ đã phán quyết những gì xảy ra tự nhiên với gen người thì không được cấp bằng sáng chế. Tổng thống Obama còn đưa ra các đạo luật để ngăn cản "ma cô sáng chế" tức các công ty thôn tính bằng sáng chế để sau đó kiện các công ty khác – STINFO số tháng 7/2013). Tuy nhiên nhiều người phê phán các đạo luật này làm chậm tiến trình đổi mới, sáng tạo, đổ công việc cho tòa án và làm tăng chi phí của người tiêu dùng.
 

 
(Mời xem thêm bài: "Số phận gian truân của sáng chế số 6456841" – tạp chí STINFO số tháng 7/2013)

LÊ NGUYỄN, STINFO số 9/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả